Quản lý tạm trú đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính quyền địa phương kiểm soát được số lượng người dân hiện đang cư trú tại địa bàn. Thông qua việc theo dõi số lượng người tạm trú, chính quyền có thể điều chỉnh các chính sách và dịch vụ công cộng như giao thông, y tế, giáo dục và hạ tầng để đáp ứng nhu cầu dân số trong phạm vi địa bàn. Chính vì vậy, khi có nhu cầu cư trú tại một địa phương trong một khoảng thời gian nhất định (không phải nơi thường trú) thì người dân cần phải đăng ký tạm trú với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đó. Vậy, tạm trú là gì? Đăng ký tạm trú là gì? Đăng ký tạm trú có cần sổ hộ khẩu không?… Mời các bạn cùng với Biểu mẫu luật theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc của mình nhé.
Tạm trú là gì? Đăng ký tạm trú là gì?
Tạm trú là gì? Hiểu một cách nôm na, tạm trú là đăng ký nơi cư trú tạm thời của một người hoặc một hộ gia đình tại một địa điểm không phải là nơi thường trú. Thông qua việc đăng ký tạm trú, người dân có thể chứng minh địa chỉ cư trú hiện tại của mình cho các mục đích hành chính, như đăng ký giấy tờ, xin visa, mua bảo hiểm, hoặc thủ tục khác.
Về mặt pháp lý, hiện nay Luật Cư trú 2020 và những văn bản hướng dẫn liên quan chưa có quy định giải thích khái niệm tạm trú mà chỉ có quy định hướng dẫn về nơi tạm trú tại Khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 như sau: “Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.”. Theo đó, tạm trú có thể hiểu là việc công dân sinh sống ở một khu vực (địa chỉ) trong một khoảng thời gian nhất định mà không phải nơi thường trú và nơi đã được đăng ký tạm trú.
Đăng ký tạm trú là gì? Đăng ký tạm trú là việc người dân khai báo và điều chỉnh thông tin về nơi cư trú (nơi tạm trú) của mình cho cơ quan có thẩm quyền tại khu vực đó. Quá trình đăng ký này thường yêu cầu người dân cung cấp các thông tin như địa chỉ tạm trú, thời gian dự kiến tạm trú, số người cùng tạm trú, và các thông tin cá nhân khác. Việc đăng ký tạm trú giúp chính quyền địa phương nắm bắt thông tin dân số và quản lý dân cư tại khu vực đó.
Khi nào phải đăng ký tạm trú
Đăng ký tạm trú là một trong những hoạt động giúp Nhà nước cũng như chính quyền địa phương quản lý dân cư trên một địa bàn. Như phần trên đã phân tích, nơi tạm trú là nơi mà công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, để giảm tải thủ tục hành chính cũng như tăng hiệu quả của công tác quản lý dân cư, không phải trong bất cứ trường hợp nào người dân cũng phải đăng ký tạm trú với cơ quan có thẩm quyền khi đến sinh sống tại một khu vực khác.
Theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú 2020, điều kiện đăng ký tạm trú bao gồm:
“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.”
Theo đó, chỉ khi người dân đáp ứng các điều kiện về thời gian cư trú và địa điểm cư trú mới phải đăng ký tạm trú tại cơ quan có thẩm quyền về quản lý cư trú tại địa bàn nơi tạm trú
Hồ sơ đăng ký tạm trú
Tương tự như những thủ tục hành chính khác, khi đăng ký tạm trú, người dân cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký tạm trú theo quy định. Tưởng chừng là một thủ tục khá đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì nhiều người dân vẫn còn lúng túng khi không biết cần phải chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu gì để đăng ký cư trú. Chính điều này dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính nói chung và thủ tục đăng ký tạm trú nói riêng.
Theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2020, hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:
“a)Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp”
Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có hướng dẫn về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp như sau:
“1. Công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:
a) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
b) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
c) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
d) Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
đ) Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
e) Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
g) Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
h) Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
i) Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;
k) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
l) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
[…]
3. Trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.”
Thủ tục đăng ký tạm trú
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký thường trú theo quy định, người dân bắt đầu thực hiện đăng ký tạm trú tại cơ quan có thẩm quyền. Việc đăng ký tạm trú đòi hỏi phải thực hiện theo trình tự thủ tục nhất định để tạo sự nhất quán giữa các cơ quan quản lý hành chính về dân cư.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú 2020, thủ tục đăng ký tạm trú được thực hiện như sau:
“Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Đăng ký tạm trú có cần sổ hộ khẩu không?
Sổ hộ khẩu là tài liệu chứng minh nhân thân, xác nhận danh tính và quan hệ họ hàng của các thành viên trong một hộ gia đình. Sổ hộ khẩu cung cấp thông tin về người đăng ký, quan hệ họ hàng, ngày tháng năm sinh và địa chỉ cư trú của các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 thì: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.”
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Sổ hộ khẩu không còn giá trị pháp lý mà thay vào đó, thông tin cư trú của công dân sẽ được quản lý thông qua Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Mặt khác, theo nội dung tại phần thứ 3 “Hồ sơ đăng ký tạm trú” thì sổ hộ khẩu không phải giấy tờ, tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ thực hiện thủ tục chuyển khẩu.
Vì vậy, khi đăng ký tạm trú, người dân không cần phải có sổ hộ khẩu cũng có thể hoàn thành thủ tục hành chính này khi có đủ điều kiện đăng ký tạm trú và hồ sơ đăng ký tạm trú theo quy định.
Mời bạn xem thêm:
- Mẫu giấy xác nhận cư trú tại địa phương
- Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú
- Mẫu đơn xin xác nhận tạm trú
Bài viết trên đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề “Đăng ký tạm trú có cần sổ hộ khẩu không?”. Hy vọng sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Căn cứ Khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú 2020, cá nhân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký tạm trú:
Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú quy định tại Điều 35 của Luật Cư trú 2020;
Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;
Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú;
Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;
Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;
Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau: “Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.”
Như vậy, trong trường hợp người thân hoặc bạn đến ở nhờ mà thời gian cư trú dưới 30 ngày thì không phải đăng ký tạm trú mà sẽ thực hiện thông báo lưu trú theo quy định.
Chủ đề: | Luật cư trú |
Nội dung: | Đăng ký tạm trú có cần sổ hộ khẩu không? |
Ngày đăng bài: | 21/12/2023 |
Ngày cập nhật: | 21/12/2023 |