Quan hệ lao động là quan hệ pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động, có thể là cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, … Quan hệ lao động được xác lập thông qua hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động có thể được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như: văn bản hợp đồng lao động, thư mời làm việc, thỏa thuận việc làm, … Vậy, hợp đồng lao động là gì? Quy định về hợp đồng lao động mới nhất hiện nay như thế nào? … Qua bài viết “Quy định về hợp đồng lao động mới nhất hiện nay” dưới đây, Biểu mẫu luật sẽ trả lời các câu hỏi trên. Mời các bạn cùng theo dõi.
Quy định về hợp đồng lao động mới nhất
Theo cách hiểu chung về hợp đồng thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên để xác lập quan hệ lao động. Hợp đồng lao động thường bao gồm các điều khoản về công việc, tiền lương, phúc lợi công việc và quyền, nghĩa vụ của mỗi bên. Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 có quy định giải thích cụ thể về hợp đồng lao động tại Điều 13 như sau:
“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
Như vậy, giao kết hợp đồng lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động khi nhận người lao động vào làm việc. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, pháp luật cũng công nhận những hợp đồng dù không có tên khác nhưng có nội dung của hợp đồng lao động thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Về hình thức của hợp đồng, hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 công nhân 02 hình thức cơ bản của hợp đồng lao động là văn bản và lời nói. Cụ thể như sau:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”
Những loại hợp đồng lao động mới nhất hiện nay
Hiện nay, pháp luật công nhận hai loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có xác định thời hạn. Việc phân loại này là vô cùng cần thiết giúp người lao động cũng như người sử dụng lao động xác định rõ những quyền và nghĩa vụ của mình đối với từng loại hợp đồng lao động.
Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định chi tiết về 02 loại hợp đồng lao động như sau:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.”
Nội dung cơ bản của hợp đồng lao động theo quy định mới nhất?
Như trên đã phân tích, khi các bên giao kết hợp đồng có tên gọi khác nhưng có những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động thì pháp luật vẫn công nhận đó là hợp đồng lao động và người sử dụng cũng như người lao động phải tuân thủ các quy tắc về quan hệ lao động. Vậy, nội dung cơ bản của hợp đồng lao động là gì?
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu bao gồm:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Ngoài ra, Điều luật này cũng quy định thêm như sau:
“ […] 2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
3. Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết […]”
Phụ lục hợp đồng lao động là gì?
Phụ lục hợp đồng là một phần bổ sung hoặc thay đổi của một hợp đồng gốc. Nó được sử dụng để thể hiện các điều khoản hoặc điều kiện bổ sung, chỉnh sửa, hoặc mở rộng của hợp đồng chính. Phụ lục hợp đồng thường được sử dụng khi cần điều chỉnh hoặc thay đổi các điều khoản trong hợp đồng gốc sau khi đã được ký kết.
Tương tự như vậy, theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2019, phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của Hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Tuy nhiên, phụ lục hợp đồng lao động có những hạn chế sau:
“Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.”
Mời bạn xem thêm:
- Quy định bồi thường hợp đồng thuê nhà như thế nào?
- Đất ruộng có sổ đỏ không? Có bán, chuyển nhượng được không
- Mẫu đơn trình báo mất xe máy
Trên đây là những nội dung tư vấn của Biểu mẫu luật về vấn đề “Quy định về hợp đồng lao đồng mới nhất”. Bạn đọc có thể tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình. Nếu còn vướng mắc, hay liên hệ tới Biểu mẫu luật để được hỗ trợ.
Câu hỏi thường gặp:
Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm
Trong trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”
Như vậy, khi giao kết hợp đồng lao động, công ty không được phép yêu cầu người lao động ký quỹ/ đặt cọc tiền để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng. Đối với hành vi này, công ty có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 25 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Chủ đề: | Hợp đồng lao động |
Nội dung: | Quy định về hợp đồng lao đồng mới nhất |
Ngày đăng bài: | 26/12/2023 |
Ngày cập nhật: | 26/12/2023 |