Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những phương thức chấm dứt hiệu lực của hợp đồng lao động, chấm dứt quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này? Hệ quả pháp lý khi các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là gì? … Để giải đáp những vấn đề này, mời các bạn cùng theo dõi bài viết “Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động” dưới đây của Biểu mẫu luật nhé!
Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là gì?
Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là một thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động để chấm dứt việc thực hiện hợp đồng lao động hiện tại của họ. Thỏa thuận này thường được thực hiện theo ý chí của các bên khi có cùng ý muốn chấm dứt hợp đồng lao động.
Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động nêu rõ các điều khoản và điều kiện của việc chấm dứt, bao gồm ngày chấm dứt, các khoản thanh toán bồi thường nào và các vấn đề khác có liên quan, chẳng hạn như lợi ích và nghĩa vụ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Thỏa thuận này có ỹ nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ cả người lao động và người sử dụng lao động hạn chế được tranh chấp pháp lý và đảm bảo rằng việc chấm dứt được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Hệ quả pháp lý khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những trường hợp làm chấm dứt hợp hiệu lực của hợp đồng lao động đã giao kết trước đó. Tức là, các bên sẽ không phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo như thỏa thuận tại hợp đồng lao động.
Hệ quả pháp lý khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mang ý nghĩa quan trọng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động. Đối với người lao động, khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, họ sẽ được hưởng các quyền lợi như trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp và quyền ưu tiên tuyển dụng lại (tùy theo quy chế của từng doanh nghiệp).
Người sử dụng lao động cũng phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận. Họ phải trả cho người lao động các khoản tiền như lương tháng chưa trả, tiền thưởng, trợ cấp thôi việc và các khoản khác theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, người sử dụng lao động cũng phải thực hiện các thủ tục như lập biên bản chấm dứt hợp đồng lao động, xác nhận bảo hiểm xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội.
Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động không chỉ là sự giải quyết vấn đề chấm dứt quan hệ làm việc mà còn liên quan đến nhiều quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý. Vì vậy, cả người lao động và người sử dụng lao động cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trách nhiệm của mỗi bên khi hợp đồng lao động chấm dứt
Quan hệ lao động thường gắn liền với các vấn đề như tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên khi chấm dứt hợp đồng lao động, Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”
Mời bạn xem thêm:
- Mẫu thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
- Tải mẫu biên bản thanh lý hợp đồng song ngữ PDF/DOCx
- Các trường hợp chấm dứt hợp đồng
Thông tin liên hệ:
Biểu mẫu luật đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động Nếu bạn còn vướng mắc về bài viết và những vấn đề pháp lý liên quan. Hãy liên hệ với chúng tôi để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.
Câu hỏi thường gặp:
Trong trường hợp công ty đề nghị với người lao động về việc ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mà người lao động đồng ý thì được coi là việc chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận mà không phải là công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, quyền lợi của mỗi bên sẽ thực hiện theo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng đã ký giữa các bên.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
“a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Quyết định thôi việc;
c) Quyết định sa thải;
d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc […]”
Như vậy, người lao động hoàn toàn có thể sử dụng bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động để đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong trường hợp dùng bản pho-to thì phải được công chứng/ chứng thực theo quy định.
Chủ đề: | Hợp đồng lao động |
Nội dung: | Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động |
Ngày đăng bài: | 11/03/2024 |
Ngày cập nhật: | 11/03/2024 |