Trên thực tế có nhiều trường hợp cá nhân có con ngoài giá thú. Để con ngoài giá thú được xác định là con đẻ của mình thì cha mẹ cần làm thủ tục nhận con ngoài giá thú. Nhiều cá nhận hiện nay có mong muốn nhận con ngoài giá thú tuy nhiên lại chưa nắm được quy trình thủ tục nhận con như thế nào? Nếu bạn đang gặp khó khăn khi làm thủ tục nhận con ngoài giá thú, hãy tham khảo Thủ tục nhận con ngoài giá thú chi tiết dưới đây của Biểu mẫu luật nhé.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Con ngoài giá thú được hiểu như thế nào?
Theo từ điển Việt Nam, giá thú là từ dùng để chỉ việc lấy vợ, lấy chồng mà được pháp luật công nhận.
Trong pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định nào về con ngoài giá thú. Tuy nhiên, qua định nghĩa về từ giá thú, ta có thể hiểu con ngoài giá thú là con được sinh ra ngoài thời kỳ hôn nhân hợp pháp.
Theo đó, con ngoài giá thú chỉ xuất hiện trong các trường hợp:
- Hai bên nam nữ độc thân chưa thực hiện đăng ký kết hôn nhưng có con với nhau;
- Một trong hai bên nam nữ đã kết hôn với người khác hoặc cả hai bên đã kết hôn nhưng có con với nhau.
Con ngoài giá thú có được ghi tên của cha vào giấy khai sinh không?
Con ngoài giá thú tuy không được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp nhưng vẫn có quyền được làm giấy khai sinh và làm thủ tục nhận cha con để được hưởng những quyền lợi cơ bản của công dân.
Do con ngoài giá thú không được pháp luật thừa nhận là con chung của vợ chồng nên đứa trẻ được sinh ra sẽ mặc nhiên coi là chưa được xác định cha và để trống phần thông tin ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định con ngoài giá thú chỉ được ghi tên cha vào Giấy khai sinh nếu như người cha yêu cầu làm thủ tục nhận cha con tại thời điểm đăng ký khai sinh. Trong trường hợp này, UBND sẽ kết hợp giải quyết việc nhận cha con và đăng ký khai sinh.
Thủ tục nhận con ngoài giá thú
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”
Theo Điều 24 Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Tuy nhiên, nếu một bên có yêu cầu nhận cha con là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam (khoản 1 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP).
Thủ tục nhận con ngoài giá thú kết hợp đăng ký khai sinh được tiến hành như sau ( căn cứ khoản 2 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP):
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con bao gồm:
– Tờ khai đăng ký khai sinh; Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
– Giấy chứng sinh;
– Chứng cứ chứng minh về quan hệ cha, con:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Bước 2: Nộp hồ sơ và nhận kết quả
Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh sẽ cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Thời gian cấp Giấy khai sinh: Thông thường, sẽ được cấp giấy khai sinh ngay trong ngày yêu cầu. Trường hợp nhận được hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì phải trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo (khoản 3 Điều 5 Luật Hộ tịch).
Lệ phí cấp Giấy khai sinh: Miễn phí
Chồng nhận con ngoài giá thú có cần sự đồng ý của vợ không?
Căn cứ theo Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền nhận con như sau:
“Điều 91. Quyền nhận con
1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.
2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.“
Như vậy, việc nhận con ruột là quyền của cha, mẹ. Theo đó người chồng vẫn có quyền làm thủ tục nhận con ngoài giá thú mà không cần phải được sự đồng ý của người vợ.
Việc hỏi ý kiến người vợ ở đây chỉ mang tính chất là sự tôn trọng, còn việc người vợ có đồng ý hay không đồng ý thì cũng không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết việc nhận cha con này.
Trên đây là giải đáp của Biểu mẫu luật về vấn đề “Thủ tục nhận con ngoài giá thú chi tiết năm 2023″. Hy vong đem đến sự hữu ích cho bạn.
Câu hỏi thường gặp
Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 dã quy định về hàng thừa kế theo pháp luật. Theo đó thì hàng thừa kế thứ nhất của một người bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Như vậy, trong trường hợp có con ngoài giá thú thì người con này được xác định là con đẻ của người để lại di sản thừa kế thì vẫn được hưởng thừa kế từ cha, mẹ.
Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con (không phân biệt con ngoài giá thú hay con giá thú) được quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
– Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
– Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
✅ Chủ đề: | ⭐ Luật Hộ tịch |
✅ Nội dung: | ⭐ Thủ tục nhận con ngoài giá thú |
✅ Ngày đăng bài: | ⭐ 19/05/2023 |
✅ Ngày cập nhật: | ⭐ 19/05/2023 |