Quan hệ hôn nhân không phải nói chấm dứt là chấm dứt, vì trong quá trình chung sống như vợ chồng thì không chỉ phát sinh quan hệ tình cảm đơn thuần mà còn nhiều quan hệ khác. Do đó, trên thực tiễn có không ít trường hợp vợ chồng đã nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn ra tòa án nhưng sau một thời gian lại muốn rút lại đơn này. Khi đó, nhiều độc giả băn khoăn không biết theo quy định hiện hành, Thủ tục rút hồ sơ ly hôn thực hiện thế nào? Rút đơn ly hôn rồi có được nộp lại hay không? Đương sự có thể rút đơn ly hôn ở thời điểm nào? Những thắc mắc này sẽ được Biểu mẫu Luật giải đáp thông qua bài viết dưới đây, mời quý bạn đọc cùng tham khảo nhé.
Đương sự có thể rút đơn ly hôn ở thời điểm nào?
Đương sự có quyền được rút đơn ly hôn trước khi Tòa thụ lý vụ án và sau khi thụ lý vụ án, cụ thể:
Rút đơn ly hôn trước khi Tòa thụ lý vụ án
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 về quyền định và tự định đoạt của đương sự như sau:
“2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”
Theo đó, đương sự có quyền chấm dứt yêu cầu của mình. Như vậy, trước khi Tòa án thụ lý, đương sự hoàn toàn có quyền được rút đơn ly hôn của mình.
Rút đơn trước khi mở phiên tòa sơ thẩm
Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, ngay sau khi có quyết định thụ lý vụ án, người yêu cầu ly hôn được quyền rút đơn ly hôn. Nếu nguyên đơn rút hết toàn bộ yêu cầu của mình và không còn yêu cầu của các đương sự khác thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Tòa án tiến hành xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu. Tòa án vẫn phải sao chụp và lưu lại để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
Rút đơn tại phiên tòa sơ thẩm
Căn cứ theo quy định tại điều 243, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn, khi chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.
Nếu đương sự muốn rút yêu cầu khởi kiện ly hôn thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử vụ án nếu thấy việc rút đơn là tự nguyện.
Rút đơn ly hôn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm
Khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc rút đơn trước hoặc tại phiên tòa phúc thẩm như sau:
“ 1.Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm giải quyết việc ly hôn thì nguyên đơn có thể rút yêu cầu ly hôn và được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu bị đơn đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện ly hôn. Khi đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn. Trường hợp bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn rút đơn yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và vẫn tiến hành giải quyết tranh chấp ly hôn theo thủ tục phúc thẩm
Thủ tục rút hồ sơ ly hôn thực hiện thế nào?
Thủ tục rút đơn ly hôn thực hiện như sau:
Bước 1: Viết và nộp đơn xin rút đơn theo mẫu
Nguyên đơn viết đơn yêu cầu rút đơn theo mẫu gửi lên Tòa án nhân dân mà vợ chồng đã nộp đơn để Tòa án trả lại đơn và hồ sơ.
Trong đơn xin rút yêu cầu khởi kiện về việc ly hôn, cần trình bày rõ thông tin và tư cách của người làm đơn xin rút yêu cầu và trình bày về lý do xin rút đơn ly hôn.
Bước 2: Nhận lại tài liệu, chứng cứ
Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về trường hợp Tòa án quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo khi có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện về việc ly hôn.
Khi đó, người khởi kiện nhận lại tài liệu, chứng cứ đã cung cấp cho Tòa án.
Rút đơn ly hôn rồi có được nộp lại hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
Theo quy định này, đối với yêu cầu ly hôn mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu thì đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, trước đây bạn đã rút đơn ly hôn thì Tòa án đã đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của bạn. Bây giờ nếu có căn cứ để ly hôn và muốn yêu cầu Tòa án giải quyết thì bạn hoàn toàn có thể nộp lại đơn ly hôn. Tòa án vẫn sẽ xem xét đơn và giải quyết yêu cầu của bạn theo thủ tục tố tụng dân sự.
Bài viết trên đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề “Thủ tục rút hồ sơ ly hôn thực hiện thế nào?”. Hy vọng sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp
Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
Vì vậy, nếu vụ án bị đình chỉ giải quyết do nguyên đơn rút đơn xin ly hôn thì tiền tạm ứng án phí sẽ được trả lại.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu người yêu cầu khởi kiện rút đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án (Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Khi vợ (chồng) rút đơn yêu cầu xin ly hôn, thì Tòa án cần phải xem xét trong vụ án có yêu cầu phản tố của người còn lại hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không. Trường hợp không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập thì Tòa án chấp nhận việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn
Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Đồng thời, về thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân, khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng khẳng định như sau: Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, chỉ khi hai vợ, chồng đã gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và được Tòa án ban hành bản án, quyết định ly hôn thì vợ chồng mới được xem là thực sự ly hôn tại thời điểm có hiêu lực pháp luật của bản án hoặc quyết định ly hôn.
✅ Chủ đề: | ⭐ Hôn nhân & Gia đình |
✅ Nội dung: | ⭐ Thủ tục rút hồ sơ ly hôn thực hiện thế nào? |
✅ Ngày đăng bài: | ⭐ 27/04/2023 |
✅ Ngày cập nhật: | ⭐ 27/04/2023 |