Kết hôn rồi sinh con là diễn biến tự nhiên của một cuộc hôn nhân giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng giữ được hạnh phúc trong thời gian người vợ mang thai 9 tháng 10 ngày. Có quá nhiều xung đột và bất đồng trong cuộc sống vợ chồng dẫn đến một trong hai người muốn yêu cầu tòa án xin cho chấm dứt quan hệ hôn hân. Vậy liệu xét dưới góc độ pháp luật, có được ly hôn khi đang mang thai hay không? Từng trường hợp cụ thể được ly hôn khi đang mang thai gồm những trường hợp nào? Quy trình giải quyết ly hôn khi đang mang thai thực hiện ra sao? Những thắc mắc này sẽ được Biểu mẫu Luật giải đáp thông qua bài viết dưới đây, mời quý bạn đọc cùng tham khảo nhé.
Có được ly hôn khi đang mang thai?
Ly hôn hay còn gọi là ly dị là thuật ngữ rất phổ biến hiện nay, thể hiện việc vợ chồng không còn tình cảm và chấm dứt mối quan hệ hôn nhân, không còn sống chung nữa. Đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên) là trường hợp một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn mà kết quả hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn khi có đầy đủ căn cứ về việc có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho gia đình tan vỡ, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Có thể thấy, quy định này chỉ nhắc đến chủ thể không được yêu cầu ly hôn là người chồng, chứ không đặt ra đối với người vợ hay cả hai vợ chồng.
Có thể hiểu, trường hợp người vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được phép yêu cầu ly hôn đơn phương. Ngược lại, người vợ hoàn toàn có thể nộp đơn xin ly hôn đơn phương khi đang mang thai.
Từng trường hợp cụ thể được ly hôn khi đang mang thai
Dưới góc độ pháp lý, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền. Khi hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích của hôn nhân không đạt được, vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có thể thỏa thuận để yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Bên cạnh việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, nếu ly hôn, hai người còn yêu cầu hoặc thỏa thuận các vấn đề khác như phân chia tài sản chung, giành quyền nuôi con, cấp dưỡng…
Như đã đề cập ở phần trên, trong trường hợp người vợ đang thực hiện thiên chức làm mẹ, đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được phép yêu cầu ly hôn.
Điều này đồng nghĩa, việc ly hôn trong thời điểm này chỉ có thể thực hiện khi
- Người vợ sẽ thực hiện yêu cầu ly hôn đối với người chồng.
- Cả hai vợ chồng đều thuận tình đồng ý ly hôn.
- Người yêu cầu giải quyết ly hôn là cha, mẹ, người thân thích khác khi một bên bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Khi đó, việc ly hôn sẽ được Tòa án giải quyết tùy theo từng trường hợp, theo thủ tục giải quyết của vụ án dân sự đối với ly hôn đơn phương (khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) và thủ tục giải quyết của việc dân sự đối với thuận tình ly hôn (khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
⭐⭐⭐⭐⭐ Xem thêm biểu mẫu Mang bầu khi ly hôn sẽ được những quyền lợi gì?
Quy trình giải quyết ly hôn khi đang mang thai
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, vụ việc ly hôn phải được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền, theo thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định. Chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết vấn đề ly hôn và ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa các cặp vợ chồng. Phán quyết này được thể hiện dưới dạng bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Cụ thể, Quy trình giải quyết ly hôn khi đang mang thai được tiến hành theo các bước như sau:
Thành phần hồ sơ
Đơn xin ly hôn đơn phương (mẫu đơn số 23-DS kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017) hoặc Đơn xin ly hôn thuận tình (mẫu đơn số 01-VDS theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 09/08/2018).
Ngoài ra, hồ sơ chuẩn bị cần kèm theo các văn bản, tài liệu chứng cứ có liên quan (khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015). Chẳng hạn như:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
- Giấy CMND/CCCD/Hộ chiếu của hai bên.
- Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về sở hữu tài sản (nếu có).
- Tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài).
Trình tự thủ tục
Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án
- Đối với ly hôn thuận tình, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau chọn nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ, chồng cư trú.
- Đối với ly hôn đơn phương, nguyên đơn nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú.
- Trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài (quy định tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015), đương sự nộp hồ sơ xin ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Bước 2: Tòa án thụ lý vụ việc ly hôn
- Trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, Chánh án Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán xem xét hồ sơ khởi kiện. (khoản 2 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
- Thẩm phán có trách nhiệm xem xét, đánh giá hồ sơ khởi kiện và ra một trong các quyết định trong 05 ngày làm việc, kể từ khi được phân công (quy định khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Bước 3: Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải
Sau khi Thẩm phán ra quyết định thụ lý, trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ tiến hành công việc kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, thực hiện thủ tục hòa giải giữa các đương sự, trừ những vụ án không được hòa giải, vụ án không hòa giải được hay vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. (khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Bước 4: Tòa án mở phiên tòa giải quyết vụ việc ly hôn
- Sau khi hòa giải, trường hợp các bên không thay đổi ý kiến trong 07 ngày sau đó, Thẩm phán sẽ ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. (khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
- Nếu trong thời hạn 07 ngày các bên có sự thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ tiếp tục xử lý theo thủ tục chung và đưa vụ việc ra giải quyết.
Bài viết trên đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề “Có được ly hôn khi đang mang thai?”. Hy vọng sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp
Theo Điều 88 Luật HN&GĐ, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Thậm chí, nếu con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân cũng được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Do đó, nếu người vợ đang có thai mà làm đơn yêu cầu ly hôn thì con sau khi sinh ra vẫn là con chung của hai vợ chồng. Vì vậy, dù đã ly hôn nhưng hai người đều có quyền, nghĩa vụ với người con này.
Theo quy định hiện hành, khi ly hôn, con dưới 36 tháng người mẹ được trực tiếp nuôi con, nếu sau đó chứng minh mình đủ điều kiện kinh tế và không gian sống, phát triển cho con thì được giành quyền nuôi con.
Bên cạnh đó, người chồng vẫn phải chu cấp cho con sau khi ly hôn theo đúng quy định của pháp luật. Giả sử bạn có căn cứ chứng minh người chồng ngoại tình thì có thể thực hiện các biện pháp giao nộp chứng cứ cho Tòa để Tòa án ưu tiên quyền lợi về tài sản cho bạn nếu như khi ly hôn cần chia tài sản.
Pháp luật quy định : “Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Tuy hôn nhân của hai bên nam nữ được xác lập sau ngày con sinh ra nhưng được vợ chồng thừa nhận thì để bảo vệ lợi ích của trẻ nhỏ, pháp luật quy định đứa trẻ là con chung của vợ chồng.
✅ Chủ đề: | ⭐ Hôn nhân và gia đình |
✅ Nội dung: | ⭐ Có được ly hôn khi đang mang thai? |
✅ Ngày đăng bài: | ⭐ 31/05/2023 |
✅ Ngày cập nhật: | ⭐ 31/05/2023 |