Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, việc mà không ai muốn xẩy ra. Nhà nước và xã hội luôn khuyến khích hòa giải khi vợ, chồng hoặc cả hai có yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên nhiều cặp vợ chồng do những lý do nhất định mà buộc phải dẫn đến ly hôn. Ly hôn dẫn đến việc chia tài sản, trách nhiệm chăm sóc con cái sau khi ly hôn. Bài viết dưới đây sẽ trả lời những vấn đề liên quan đến mẫu đơn xin ly hôn thuận tình, mời bạn đọc cùng Biểu Mẫu Luật tìm hiểu.
Ly hôn thuận tình là gì? Mẫu đơn ly hôn thuận tình? Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sau khi ly hôn sẽ như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên như nào?
Hiện nay, theo luật hôn nhân và gia đình, việc ly hôn được chia ra làm 2 trường hợp cụ thể là ly hôn thuận tình (sự đồng ý của cả vợ cả chồng trong việc ly hôn) và ly hôn đơn phương (một bên muốn ly hôn là vợ hoặc chồng).
Theo đó mẫu đơn xin ly hôn cũng được chia làm 2 mẫu đó là mẫu đơn thuận tình ly hôn và mẫu đơn xin ly hôn đơn phương. Bài viết này, Bieumauluat.com xin chia sẻ về mẫu đơn xin ly hôn thuận tình.
Ly hôn thuận tình là gì?
Khi nhận được yêu cầu ly hôn, nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Theo điều 55 của Luật hôn nhân và gia đình, trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn và có đơn xin ly hôn thuận tình, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo
Một hồ sơ ly hôn thuận tình ngoài đơn xin ly hôn ra cần có thêm một số giấy tờ sau:
1. Chứng minh nhân dân (bản chứng thực)
2. Sổ hộ khẩu (Bản chứng thực)
3. Giấy khai sinh (Bản chứng thực)
4. Đăng ký kết hôn
5. Một số giấy tờ khác có liên quan
Phân chia tài sản khi ly hôn
Nguyên tắc phân chia tài sản
Nếu sau khi Tòa tổ chức hòa giải mà không thành công, việc ly hôn vẫn tiếp tục diễn ra thì vợ chồng sẽ phân chia tài sản theo những quy tắc sau , theo điều 59 Luật hôn nhân và gia đình:
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.
Chia tài sản khi vợ chồng sống chung với gia đình
Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Chia quyền sử dụng đất
Tài sản bất động cũng sẽ được chia cho vợ và chồng khi ly hôn như sau:
1. Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
2. Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình;
d) Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết như phần trên Chia tài sản khi vợ chồng sống chung với gia đình.
Chia tài sản chung đưa vào kinh doanh
Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Việc trông nom, chăm sóc con cái sau khi ly hôn
Vợ chồng mà đã có con với nhau, khi ly hôn cả hai đều phải có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng con cái. Luật pháp đã quy định rõ về trách nhiệm của mỗi bên sau khi ly hôn với con cái như sau, theo điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Đối với cha, mẹ mà không trực tiếp nuôi dạy con cái có quyền và nghĩa vụ như sau:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ với người không trực tiếp nuôi con đó là:
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật hôn nhân và gia đình; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Download mẫu đơn xin ly hôn thuận tình
Kết luận
Bài viết trên đây giải thích ly hôn thuận tình là gì, danh mực tài liệu cần có, đơn xin thuận tình ly hôn và trách nhiệm, nghĩa vụ của cha, mẹ trực tiếp nuôi dậy con cái, trách nhiệm nghĩa vụ của ba,mẹ không trực tiếp nuôi dậy con cái. Cảm ơn bạn đọc đã đọc bài viết, nếu có bất kỳ thắc mắc gì khác như đổi tên mẹ trong giấy khai sinh, hãy để lại câu hỏi cho chúng tôi, hoặc liên hệ trực tiếp với số điện thoại 0833.102.102 để được các chuyên gia pháp lý của Biểu mẫu luật tư vấn trực tiếp.
Cầu hỏi thường gặp
Sau khi thụ lý yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ xét xử theo điều 53 của Luật hôn nhân và gia đình:
Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình.
Luật bổ sung các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả 02 vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 01/01/2015, điều 51 Luật hôn nhân và gia đình cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.
✅ Mẫu đơn: | 📝 Ly hôn thuận tình |
✅ Định dạng: | 📄 File Word |
✅ Số lượng mẫu: | 📂 1 |
✅ Số lượt tải: | 📥 +1000 |