Thông báo đòi nợ khách hàng là một trong những phương thức thực hiện quyền yêu cầu bên vay trả nợ của người cho vay. Thông thường, thông báo đòi nợ sẽ được gửi đến khách hàng khi đã quá kỳ hạn thanh toán nhưng khách hàng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Thông báo đòi nợ khách hàng phải đảm bảo các nội dung cơ bản như: người thông báo, người nhận thông báo, yêu cầu đòi nợ, … Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người vẫn còn lúng túng khi viết thông báo này, nhất là đối với trường hợp là cá nhân cho vay. Nắm bắt được những khó khăn này, Biểu mẫu luật xin gửi tới bạn đọc Mẫu thông báo đòi nợ khách hàng qua bài viết dưới đây:
Quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ? Thông báo đòi nợ vào thời điểm nào?
Quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ là một trong những quyền cơ bản của bên cho vay tài sản. Do đó, bên cho vay hoàn toàn có quyền thông báo đòi nợ khách hàng bằng bất kỳ phương thức nào: gọi điện, nhắn tin, gửi email, soạn thông báo bằng văn bản, … Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay, người cho vay chỉ được thực hiện quyền yêu cầu bên vay trả nợ trong một số trường hợp mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định. Hay nói cách khác, người cho vay chỉ được gửi thông báo đòi nợ cho bên vay vào một số thời điểm như sau:
Trường hợp 1: Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn
Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Trường hợp 2: Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn
Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Trường hợp 3: Đối với trường hợp yêu cầu thanh toán tiền dịch vụ, tiền thù lao,…
Trong trường hợp này, tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định thời điểm thông báo yêu cầu trả nợ. Thông thường, thông báo được gửi đi khi bên cung ứng dịch vụ, thực hiện công việc, vận chuyển hàng hóa, …. đã hoàn thành nghĩa vụ của mình hoặc theo thỏa thuận của các bên mà bên có trách nhiệm thanh toán chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình
Mẫu thông báo đòi nợ khách hàng “Đề nghị thực hiện nghĩa vụ thanh toán”
Xử lý công nợ là một trong những vấn đề đau đầu, nan giải của các cá nhân, doanh nghiệp. Hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp mong muốn thu hồi nợ sớm, tránh để nợ xấu. Do đó, cả quá trình từ thông báo công nợ cho khách hàng, thông báo nhắc nợ khách hàng đến thông báo đòi nợ khách hàng phải thực hiện khéo léo, tinh tế để không làm mất lòng khách hàng. Dưới đây là mẫu thông báo đòi nợ khách hàng, bạn đọc có thể tham khảo:
Những lưu ý khi soạn thông báo đòi nợ khách hàng
Thông báo đòi nợ khách hàng thường được gửi qua email hoặc thư trực tiếp đến khách hàng. Việc sử dụng mẫu thông báo đòi nợ giúp cho công ty hoặc cá nhân đòi nợ có thể quản lý khoản nợ của mình một cách chuyên nghiệp hơn, cũng như giúp cải thiện việc quản lý tài chính và tăng khả năng thu nợ. Thông báo đòi nợ khách hàng cần đảm bảo những nội dung cơ bản như sau:
- Thông tin hai bên: Bên có quyền và bên có nghĩa vụ thanh toán
- Bối cảnh phát sinh giao dịch liên quan đến khoản nợ: Ngày tháng năm chi tiết cho từng khoản nợ
- Cơ sở pháp lý của từng khoản nợ phải thanh toán: Số hóa đơn, số tiền chi tiết cho từng khoản nợ
- Thời hạn yêu cầu thanh toán
- Tỷ lệ phạt chậm trả ( nếu cần)
- Xác nhận của hai bên
- Tài liệu đính kèm
Cách tính lãi suất chậm trả
Để đảm bảo cho việc bên có nghĩa vụ thanh toán nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng, pháp luật hiện hành cho phép tính lãi đối với số tiền chậm trả. Tùy vào từng loại hợp đồng mà mức lãi suất chậm trả sẽ quy định khác nhau. Cụ thể như sau:
Đối với hợp đồng vay tài sản dân sự, Khoản 5 Điều 466 quy định cách tính lãi suất chậm trả như sau:
“5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Đối với hợp đồng thương mại, Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định như sau: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Theo đó, mức lãi suất chậm trả sẽ do Tòa án xác định dựa trên căn cứ tại Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP như sau: “Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Mời bạn xem thêm:
- Mẫu thông báo tuyển dụng công nhân may
- Mẫu đơn trình báo mất giấy tờ
- Mẫu hợp đồng giao nhận hàng hóa
Như vậy, Biểu mẫu luật đã gửi tới bạn đọc Mẫu thông báo đòi nợ khách hàng và những vấn đề pháp lý liên quan. Hy vọng có thể giúp ích cho bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Điều 12 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định: “Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn […]”
Như vậy, trong trường hợp hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về việc phạt vi phạm và trả lãi chậm trả đối với hành vi không trả nợ đúng hạn thì chỉ được áp dụng một biện pháp xử lý.
Tại Khoản 3 Điều 465 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên cho vay như sau: “[…] Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.”
Như vậy, đối với hợp đồng vay có kỳ hạn, người cho vay không thể thông báo yêu cầu khách hàng trả nợ trước kỳ hạn được.
Mẫu thông báo: | Đòi nợ khách hàng |
Định dạng: | File Word/PDF |
Số lượng file: | 2 |
Số lượt tải: | +1000 |